Tác dụng của vitamin B chống lão hóa da và cách bổ sung

Vitamin B giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe, cơ thể con người, nhất là trong quá trình trao đổi chất, rất quan trọng đối với các hoạt động ở hệ thần kinh và những cơ quan khác trong cơ thể. Đặc biệt các vitamin nhóm B còn có thể chống lão hóa cho da, mang lại một làn da khỏe mạnh.

1. Vitamin B1 giúp loại bỏ độc tố cho da

Vitamin B1 (thiamine) là một loại vitamin bổ sung năng lượng và tác động đến hệ thống thần kinh. Ngoài ra, nó còn có vai trò ngăn ngừa oxy hóa, từ đó giúp loại bỏ các độc tố cho da, chữa nám, tàn nhang và chống lão hóa.

Khi cơ thể thiếu thiamine sẽ dẫn đến mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, dễ bị kích động, ăn không ngon miệng, dễ gặp các vấn đề về tim mạch, hệ tiêu hóa… Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến sút cân, cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược, phản xạ kém… 

Các biểu hiện ngoài da khi thiếu thiamine là da dễ bị nổi mẩn đỏ, kích ứng, mọc mụn, bong tróc… đặc biệt rất dễ bị dị ứng với các thành phần trong các sản phẩm dưỡng da, dị ứng thời tiết, lão hóa sớm. Khi bổ sung đầy đủ thiamine, các tình trạng trên sẽ hết và còn giúp da khỏe mạnh, tránh các dấu hiệu lão hóa sớm. 

Do đó, trong chế độ ăn uống hàng ngày nên bổ sung các thực phẩm giàu thiamine như ngũ cốc, trứng, sữa, đậu xanh, hạt vừng, rau chân vịt… 

2. Vitamin B2 giúp duy trì hàm lượng collagen

Vitamin B2 (riboflavin) là một vi chất quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thực phẩm thành năng lượng, cho tế bào sử dụng trong các hoạt động sống.

Khi thiếu hụt vitamin B2 sẽ khiến tế bào không được cung cấp đủ năng lượng. Nếu thiếu nghiêm trọng sẽ dẫn tới thiếu máu, dễ hụt hơi, sức khỏe kém. Nghiêm trọng hơn có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh lý tim mạch

Ngoài ra riboflavin còn có vai trò duy trì hàm lượng collagen, ảnh hưởng tới phát triển của các mô và ảnh hưởng tới quá trình hô hấp của các tế bào da. 

Từ đó, riboflavin đẩy nhanh quá trình trao đổi tế bào, giúp duy trì độ ẩm, kiểm soát được lượng bã nhờn dưới da, ngăn ngừa mụn trứng cá và giúp da căng mịn, chống lão hóa. Khi thiếu riboflavin mắt dễ bị kích ứng; da tiết nhiều dầu hơn, xuất hiện mẩn đỏ và viêm chân lông; da sẽ bị lão hóa sớm, xuất hiện nếp nhăn, khô, bong tróc; móng tay, tóc dễ bị khô gãy.

Riboflavin có nhiều trong các thực phẩm như nấm, hạt hạnh nhân, bông cải xanh, thịt đỏ, trứng, sữa, rong biển, mè… Nên bổ sung các loại thực phẩm này trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày.

3. Vitamin B3 giúp ngăn ngừa mụn

Vitamin B3 (niacin) có nhiều công dụng đối với làn da, do đó nó xuất hiện nhiều trong các sản phẩm chăm sóc da, nhằm mục đích: Ngăn ngừa mụn, hỗ trợ điều trị mụn, điều trị giảm nám, tàn nhang và chống nắng hiệu quả. Niacin làm dịu nhẹ làn da khi da bị kích ứng với mặt trời, chống lão hóa và cấp ẩm cho da.

Khi thiếu niacin, cơ thể sẽ có các biểu hiện: Đau đầu, thiếu hụt năng lượng, hơi thở có mùi, giảm cảm giác thèm ăn. Đối với làn da, thiếu niacin sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp collagen, da và tóc sẽ thiếu đi sự nuôi dưỡng, từ đó làm giảm sự đàn hồi và sức khỏe của da và tóc. Làn da dễ bị thâm, khô ráp, bóc vảy, phù, viêm da… nhất là những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tóc và móng dễ gãy rụng và rất khó nuôi dưỡng.

vitamin-B.jpeg
Vitamin B3 giúp ngăn ngừa mụn.

4. Vitamin B5 giúp làn da tươi sáng

Vitamin B5 (acid pantothenic) có vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh. Nó giúp ngăn ngừa các bệnh suy nhược thần kinh và làm giảm thiểu tình trạng mất ngủ, trầm cảm và căng thẳng thần kinh, giúp kiểm soát tâm trạng rất tốt.

Khi thiếu acid pantothenic sẽ có triệu trứng nóng rát ở cẳng chân, bàn chân, hay bị chuột rút; mệt mỏi; nhịp tim bất thường; mất ngủ; bọng mắt to và thâm quầng; làn da khô, xỉn màu… 

Bổ sung acid pantothenic đầy đủ sẽ giúp kiểm soát các triệu trứng trên. Ngoài ra, acid pantothenic còn có vai trò ẩm và giữ nước trên da, giúp da đủ nước, cải thiện độ đàn hồi của da và giúp làn da tươi sáng. Acid pantothenic còn có công dụng kiểm soát bã dầu, điều tiết lượng dầu phù hợp, giảm kích ứng, giảm mụn. Hơn nữa, acid pantothenic còn làm tăng khả năng kích thích quá trình tái tạo tế bào da, giúp tổn thương trên da mau lành.

Việc bổ sung đầy đủ vitamin B5 giúp làn da khỏe đẹp. Thực phẩm giàu acid pantothenic như: Hạt hướng dương, trứng, quả bơ, gà tây, cá hồi, khoai lang, bắp, ngũ cốc, sữa chua…

5. Vitamin B6 giúp da đẹp, tóc mượt

Vitamin B6 (pyridoxine) có vai trò thúc đẩy sản xuất tế bào, chuyển hóa protein, tái tạo tế bào da. Ngoài ra pyridoxine còn giúp điều chỉnh sự mất cân bằng hormone, giảm mụn nội tiết.

Khi thiếu pyridoxine, cơ thể dễ mất ngủ và xuất hiện các vấn đề như rụng tóc, da khô, tróc vảy, thâm sạm, ban đỏ, ngứa, viêm da tiết bã. Thiếu pyridoxine nghiêm trọng còn dẫn đến nứt và đau môi, bóng lưỡi…

Vitamin B6 có trong hầu hết các loại thịt, sữa, thịt gà, cá hồi, trứng, gan gà, cà rốt, rau chân vịt, khoai lang, chuối, các loại hạt… 

Ngoài ra có thể sử dụng kem bôi có chứa vitamin B6 để cải thiện các tình trạng xuất hiện ngoài da như viêm da tiết bã.

vitamin-B_1.jpeg
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B6 mỗi ngày.

6. Vitamin B7 giúp phục hồi da

Vitamin B7 (biotin) là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, đồng thời tổng hợp acid béo và acid amin trong cơ thể; có vai trò quan trọng trong sản xuất và phục hồi tế bào da, từ đó giúp phục hồi làn da bị ảnh hưởng do tác hại của các gốc tự do và cấp ẩm cho da. Bổ sung biotin còn giúp ích trong việc điều trị mụn trứng cá, sạm da; phục hồi cho tóc khô xơ, dễ bị gãy.

Các thực phẩm chứa nhiều biotin như đậu xanh, cá hồi, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó…

7. Vitamin B9 giúp giảm viêm sưng

Vitamin B9 (acid folic) là một loại vitamin cần thiết giúp giảm viêm sưng do mụn, đồng thời tham gia vào quá trình tái tạo tế bào da. Khi thiếu acid folic sẽ khiến làn da bị khô nứt, nhưng nếu thừa acid folic lại khiến mụn mọc nhiều thêm, làn da bị khô nứt hơn. Do đó nếu muốn bổ sung acid folic dưới dạng thuốc, không nên quá 0,5mg mỗi ngày.

Tốt nhất để bổ sung acid folic qua thực phẩm với các món như rau chân vịt, đậu gà, hạt hướng dương, trứng,…

8. Vitamin B12 giúp da hồng hào

Vitamin B12 (cobalamin) có vai trò điều tiết hoạt động sản xuất sắc tố melanin. Từ đó ngăn ngừa xuất hiện nám, thâm, tàn nhang, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất và protein giúp da căng bóng, láng mịn, hồng hào. Khi thiếu cobalamin cơ thể sẽ rơi vào trạng thái uể oải, ăn không ngon miệng, mất cân bằng hormone, da tái nhợt… 

Thực phẩm giàu cobalamin như thịt bò, cá hồi, cá ngừ, ngao, trứng và sữa đậu nành. Nên thường xuyên bổ sung thực phẩm này trong các bữa ăn hằng ngày.

Nguồn: Sức Khoẻ và Đời Sống