Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm cuối năm

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trên thế giới, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường, có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, dịch bệnh mới nổi.

Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi gia tăng đáng kể. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua với ước tính nửa dân số trên thế giới có nguy cơ ca mắc mỗi năm. Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm cuối năm

Đặc biệt, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian gần đây, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh hô hấp, cúm A (H5/N1), COVID-19 tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia…

Tại Việt Nam, hiện tình hình COVID-19 vẫn được kiểm soát. Số ca mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Số người nhập viện và lượng bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.

Đối với cúm gia cầm độc lực cao (cúm A/H5N1), trong năm 2023, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc ở người. Tuy nhiên, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương. Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Đồng thời đây là thời điểm bắt đầu có xu hướng tăng nuôi gia cầm chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán 2024 nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Trong khi đó, miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là trẻ em. Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng.

Vì Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.

Đặc biệt, do đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà…, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cũng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp.

Thực tế, dù tình hình chưa đáng lo ngại, để phòng bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người dân không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta luôn phải phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Bởi Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ lây lan thành dịch lưu hành với các mầm bệnh nhóm B, nhất là các bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp. Đặc biệt, với COVID-19, ngành y tế vẫn luôn theo dõi sát tình hình, giám sát nguy cơ vì dịch bệnh này vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chủng bất thường gây bệnh nặng hơn.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố quyết định mang lại sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế kêu gọi toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh. Khi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, tự giác sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân mà còn cho gia đình, địa bàn, từ đó góp phần phòng bệnh cho cả cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm cuối năm
Bộ Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân gia đình và cộng đồng.

Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (International Day of Epidemic Preparedness). Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này và là nghị quyết do Việt Nam đề xuất.

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19, Bộ Y tế đưa ra chủ đề hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 là “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”. Nhiều hoạt động được triển khai như tổ chức lễ Mít tinh nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh, đồng thời phát động “Phong trào toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh nâng cao sức khỏe”.

Cùng với đó là Chiến dịch truyền thông mạng xã hội hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh phối hợp cùng Quỹ Unilever Việt Nam; các chương trình tọa đàm về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân; phòng, chống dịch COVID-19.

Với thông điệp, toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh: Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác – Chủ động phòng bệnh từ sớm, Bộ Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân gia đình và cộng đồng.

Nguồn: Bộ Y Tế